Bạn đang xem: Trang chủ » Phổ cập giáo dục » Tin phổ cập » Học sinh vùng sâu tự tin hơn

Tin phổ cập

Học sinh vùng sâu tự tin hơn

Ngày đăng: 18/03/2014 - Lượt xem: 2339 In trang
Trong hai ngày 23 và 24-1, hơn 4.000 học sinh từ 35 trường THPT ở Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc đã đến tìm hiểu, nhận tài liệu và được hướng dẫn tận tình những thông tin cần thiết cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010.

Học sinh các trường THPT ở thị xã Buôn Hồ, Đắc Lắc hào hứng với buổi tư vấn sáng 24-1


Nhờ những buổi tư vấn mà nhiều học sinh đã tự tin hơn trong ngành nghề mình chọn.

Vượt 90km đến điểm tư vấn

Để đến được điểm tư vấn tại Trường THPT Bù Đăng, thầy trò các trường THPT Phước Bình, Phước Long, Phú Riềng (huyện Phước Long), THPT Bù Gia Mập... đã vượt quãng đường cả đi lẫn về trên 90km. Xa nhất có thể kể đến thầy trò Trường THPT cấp II-III Đắc Ơ. Nguyễn Văn Dũng, học sinh của trường, cho biết bạn dậy lúc 3g, đến trường lúc 4g và đến điểm tư vấn lúc 8g. Thầy Phan Đình Phong, giáo viên phụ trách dẫn đoàn, cho biết: “106 học sinh (trên ba xe do trường thuê) vượt 90km trong bốn giờ trên một quãng đường xấu rất khó đi”.

Buổi tư vấn tại thị xã Gia Nghĩa, Đắc Nông chiều 23-1 đã phải hoãn hơn nửa giờ vì không có điện, nhưng gần 1.000 học sinh đến từ chín trường THPT vẫn trật tự ngồi chờ chương trình. Chương trình diễn ra bằng nguồn điện từ máy phát. Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học công nghệ rất tối và âm thanh không đủ nghe, nhưng học sinh vẫn vây kín hai thầy cô tư vấn tranh nhau đặt câu hỏi.

Đắc Nông hiện là nơi duy nhất trong cả nước đến nay chưa có trường ĐH, CĐ, cũng chưa có đoàn tư vấn hướng nghiệp nào quy mô lớn vươn tới. Những cánh tay tranh nhau giơ lên đặt câu hỏi, không một giây phút nào bị bỏ phí. Nhiều học sinh ở huyện xa tiếc ngẩn ngơ khi phải lên xe về trước thầy cô tư vấn.

Nhiều câu hỏi hay

Nhóm các trường quân đội công an được thí sinh các tỉnh này rất quan tâm. Nhiều thắc mắc liên quan đến việc sơ tuyển, điểm chuẩn, điều kiện của các ngành này. Bạn Trần Nguyên Đức, học sinh Trường THPT Chu Văn An (thị xã Gia Nghĩa, Đắc Nông), cho biết bạn thi ngành quân đội vì điều kiện gia đình khó khăn, ngành này được miễn học phí và không phải quá khó khăn xin việc khi ra trường.

Nhóm ngành kỹ thuật cũng “nóng” với những câu hỏi sát sườn về các ngành chủ lực của nhóm này: cơ khí, điện - điện tử, xây dựng... Sau buổi tư vấn tại Đắc Lắc sáng 24-1, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phấn khởi: 

“Quá nhiều câu hỏi hay! Không chỉ có những thắc mắc thường gặp về nội dung ngành học, cơ hội việc làm..., học sinh đã đặt những câu hỏi sâu sắc hơn, như cùng một ngành nhiều trường đào tạo làm sao chọn trường vừa sức? Cũng có cả những câu hỏi không dễ trả lời như: làm sao biết chất lượng đào tạo của trường nào tốt hơn? So với học sinh thành thị, các em ở đây quá thiếu thông tin chính xác và cần thiết để chọn cho mình một trường, một ngành học phù hợp nhất. Mang thông tin hướng nghiệp đến vùng sâu vùng xa cũng là trách nhiệm xã hội của các trường ĐH”.

Tưởng chừng khô và khó nhất là nhóm ngành khoa học công nghệ, nhưng các thầy cô tư vấn nhóm này cũng bận rộn với hàng loạt câu hỏi về nhóm ngành công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... Buổi tư vấn sáng 23-1 kết thúc, một nữ sinh Trường THPT Bù Đăng rụt rè hỏi riêng tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM): “Em học khá giỏi, thích ngành công nghệ hóa học, em muốn học và sau này nghiên cứu lĩnh vực này”. 

Sau khi nghe thầy giải thích về ứng dụng của ngành học này trong đời sống, không còn dè dặt nữa em liên tục hỏi: “Khả năng trúng tuyển vào ngành này, yêu cầu sức khỏe, kỹ năng gì để thành công?”, em say sưa nghe thầy nói về sự say mê khoa học và những cống hiến của những người nghiên cứu khoa học. Cuối cùng em nói: “Em tự tin chọn ngành rồi”.

Nhiều tâm tư, bối rối

“Em yêu trẻ nhưng không có khả năng chiều trẻ, có thể học sư phạm mầm non không?” hay những tâm tư, bối rối chưa biết tỏ cùng ai như: “Em thích làm cô giáo, gia đình hướng vào trường công an, bạn bè thầy cô khuyên theo ngành báo chí, vậy nên chọn ngành nào?”, “Gia đình em khó khăn, em muốn chọn ngành nào đi học đỡ tốn kém nhất, ra trường dễ xin việc làm nhất?”... 

Những câu hỏi tưởng đơn giản nhất nhưng không dễ quyết định đối với những cô cậu học trò trước ngưỡng cửa nghề nghiệp đời mình. Nhiều bạn mong muốn chỉ thi ở trường địa phương, muốn học CĐ, trung cấp đã yên lòng hơn khi nhận được sự chia sẻ của ban tư vấn về những cái lợi khi học trường gần nhà (tiết kiệm chi phí sinh hoạt, có nhiều khả năng được miễn giảm học phí, ra trường dễ tìm việc) cũng như cơ hội học liên thông lên cao nếu có khả năng.

Sau từng buổi tư vấn, nhiều học sinh tự tin hơn với nghề mình chọn, có bạn tự nhận xét “hình như em nên chọn ngành khác phù hợp hơn”... Ba buổi tư vấn, hàng ngàn câu hỏi đặt ra và được giải đáp cặn kẽ. Tuy vậy, cũng như bao lần đến vùng xa, có đi mới cảm nhận sâu sắc hơn một điều: học sinh vẫn còn cần nhiều hơn nữa những chương trình hướng nghiệp.
 

  Nước mắt học trò nghèo 

Hai chị em Đào Thị Tuyết Mai và Đào Thị Yến Trúc cùng đến dự chương trình tư vấn tại Bình Phước. Trúc là chị nhưng mới học lớp 11, em Mai đang học lớp 12 Trường THPT Bù Đăng (huyện Bù Đăng). 

Mai kể: “Năm chị học lớp 6, em học lớp 5. Nhà chẳng có gì ăn nên chị nghỉ phụ làm thuê cỏ mì với cha mẹ nuôi em đi học vì em học khá hơn”. Nhà ở xã Đồng Nai, một nơi chưa có điện và cách trung tâm trường khoảng 40km. Mai động viên chị Trúc cùng ra thị trấn đùm bọc nhau trọ học.

Mai kể một tuần hai chị em chỉ ăn hết 25.000 đồng. Hôm nào hết tiền thì “rau lang, rau rừng cũng qua bữa”. Hiện hai chị đùm bọc hai em Đào Phạm Đồng Phước (lớp 7), Đào Công Đạt (lớp 6) để đến trường. Một tuần bốn chị em chỉ ăn hết 50.000 đồng. 

Bữa ăn của các bạn gồm cá khô, một quả trứng nấu với cà chua. Thỉnh thoảng, Mai lại cùng chị về nhà đi làm thuê cỏ mì được 70.000 đồng/ngày. Gạo thì hai tuần cha mẹ “tiếp tế” một lần, cứ thế bốn chị em rau cháo nuôi nhau tìm kiếm con chữ.

Nghe nói có các thầy cô về trường tư vấn, Mai rất hồ hởi và thú thật mình “vẫn còn lan man lắm”. Bạn băn khoăn nhẩm tính ba môn toán, lý, hóa khoảng 13, 14 điểm thì sẽ thi vào ngành gì để khi ra trường dễ kiếm việc làm. Còn người chị học lớp 11 đi cùng em nhưng ước muốn “chỉ mong học hết lớp 12 rồi về phụ cha mẹ nuôi em”.
 

 

Theo Tuổi Trẻ Online

 

 

Bình chọn
Thống kê truy cập
Đang online 6
Hôm nay 1153
Tháng này 42.153
Tổng truy cập 8.443.722