Bạn đang xem: Trang chủ » Tin tức - Thông báo » Thông tin về giáo dục » Nắm vững 9 nguyên tắc trong xã hội hóa giáo dục

Thông tin về giáo dục

Nắm vững 9 nguyên tắc trong xã hội hóa giáo dục

Ngày đăng: 07/04/2014 - Lượt xem: 1834 In trang
Hiện nay, có hai nguồn lực chính trong quá trình huy động xã hội hóa giáo dục gồm: Nguồn lực vật chất (tài lực, vật lực, nhân lực, đất đai, trường sở, trang thiết bị,...) phục vụ giảng dạy và học tập; Nguồn lực phi vật chất (việc tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, các yếu tố tinh thần, sự ủng hộ chủ trương giáo dục, sự tư vấn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm)...
Trong thực tế, các nhà quản lý giáo dục cấp cơ sở chưa tập trung đúng mức để khai thác nguồn lực mà chỉ chú trọng vào những đóng góp của phụ huynh học sinh
Theo Phó Giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục Nguyễn Thị Thái, để hiểu và thực hiện đúng vấn đề XHHGD cần nhận thấy có sáu nhóm đối tượng có thể huy động tham gia XHHGD gồm: Lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp (lực lượng quan trọng quyết định sự đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường và cũng là lực lượng tạo cơ chế và tạo điều kiện cho việc XHHGD triển khai thuận lợi); Gia đình, cha mẹ học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh (lực lượng có nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích trực tiếp cùng chia sẻ với nhà trường và cũng là lực lượng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với học sinh); Các cơ quan, ban ngành (nhất là các ngành có chức năng, có trách nhiệm đối với nhà trường như y tế, công an, bảo vệ, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em, các tổ chức đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, các tổ chức tôn giáo, tổ chức từ thiện,…); Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tạo khả năng liên kết trong việc huy động các nguồn lực vật chất; Bản thân ngành giáo dục đào tạo cũng là một đối tượng để XHHGD; Các tổ chức quốc tế, các cá nhân, đặc biệt là cá nhân có uy tín, các “mạnh thường quân”...
Trong quá trình huy động các nhóm đối tượng thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục cần thực hiện tốt chín nguyên tắc huy động cộng đồng tham gia xây dựng giáo dục gồm:
Lợi ích: Mỗi hoạt động hợp tác, phối hợp đều phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của cả hai phía: nhà trường và cộng đồng, mỗi bên tham gia đều cần tìm thấy lợi ích chung của cá nhân, tập thể cũng như của cả dân tộc.
Chức năng nhiệm vụ: Nhà trường cũng như các lực lượng xã hội, các tổ chức,... đều có những chức năng và trách nhiệm riêng. Để khai thác, phát huy, khuyến khích họ tham gia vào một hoạt động nào đó thì phải phát hiện và nhằm đúng chức năng, rách nhiệm của đối tác. Thí dụ: Đối với cấp ủy và chính quyền địa phương thì nội dung huy động phải là chủ trương, văn bản chỉ đạo, hoặc đất xây dựng,...
Dân chủ: tạo môi trường công khai, bình đẳng để cộng đồng hiểu đúng về giáo dục và nhà trường hơn, đồng thời góp phần thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” các hoạt động XHHGD để mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội phát triển toàn diện và mang lại hiệu quả thiết thực.
Luật pháp: XHHGD phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, có nghĩa là cần dựa trên cơ sở pháp lý. Ngược lại, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức xã hội,... cũng cần có những cơ sở pháp lý để triển khai cũng như để tham gia huy động nguồn lực cho giáo dục.
 
Phù hợp và thích ứng: Cán bộ quản lý giáo dục phải biết lựa chọn thời gian thích hợp nhất để đưa ra một chủ trương XHHGD. Tuy nhiên, để thực hiện nguyên tắc này là phải xây dựng cho được kế hoạch cụ thể và kế hoạch mang tính định hướng.
Truyền thống, tình cảm: là sự khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tôn trọng đạo lý, đề cao sự học, đề cao giá trị của học vấn... của mỗi gia tộc, dòng họ; niềm tin của cá nhân vào sự nghiệp phát triển chung của giáo dục, của từng nhà trường để có thể huy động nhiều nguồn lực khác nhau chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Kết hợp ngành - lãnh thổ: cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương và ngành giáo dục, “nhà trường gắn liền với xã hội”.
Giao tiếp: Có hai con đường giao tiếp đó là con đường chính thức (các văn bản, công văn, đề nghị...) và con đường không chính thức (thông qua nguyên tắc truyền thống và tình cảm).
Kế hoạch hóa: kế hoạch hóa là một trong bốn chức năng quản lý và là một chức năng mang tính chủ đạo trong quá trình quản lý của người Hiệu trưởng. Kế hoạch XHHGD được xây dựng trên một số yếu tố sau: Mục tiêu của việc huy động xã hội; xác định đối tượng huy động; Kết quả dự kiến đối với từng đối tượng; thời gian thích hợp nhất; Nguyên tắc ưu tiên để sử dụng trong quá trình triển khai thực hiện HĐCĐ; Sự phân công một số thành viên trong chủ thể huy động; Chi tiết hóa kế hoạch và hệ thống giải pháp cụ thể.
Kinh nghiệm cho thấy, trong nhiều trường hợp đối tượng tham gia XHHGD tuy ít nhưng lại cho những kết quả bất ngờ nếu như người cán bộ quản lý giáo dục biết đột phá vào các bước phát triển quan trọng có thể làm thay đổi chất lượng giáo dục. Ngành giáo dục và đào tạo là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai công tác XHHGD trong đó bản thân nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục cùng tập thể sư phạm, đội ngũ giáo viên giữ vai trò quan trọng trong quá trình giảng dạy và giáo dục trẻ.
Mặt khác, mỗi nhà giáo có mối quan hệ xã hội rất rộng bởi vì họ có rất nhiều cha mẹ học sinh. Chính quyền các cấp với chức năng quản lý Nhà nước của mình không chỉ huy động, khuyến khích mà còn tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động và tổ chức điều hành sự phối hợp các lực lượng xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục.
 
theo Mạnh Xuân (Nhân Dân)
Tin khác ...

 

 

Bình chọn
Thống kê truy cập
Đang online 4
Hôm nay 2772
Tháng này 26.734
Tổng truy cập 8.428.303