Bạn đang xem: Trang chủ » Tin tức - Thông báo » Thông tin về giáo dục » Quy hoạch phát triển GDĐT đến năm 2020: Bước đột phá tạo nguồn nhân lực

Thông tin về giáo dục

Quy hoạch phát triển GDĐT đến năm 2020: Bước đột phá tạo nguồn nhân lực

Ngày đăng: 07/04/2014 - Lượt xem: 1762 In trang
Tốc độ phát triển của sự nghiệp GDĐT Quảng Nam trong hơn 10 năm qua khá nhanh chóng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế thì vẫn chưa đáp ứng, nhất là yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực.
“Cái áo” quá chật!
Cùng với đà tăng trưởng kinh tế xã hội, sự nghiệp GDĐT từ ngày tái lập tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh về nhiều mặt. Mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh từ đồng bằng đến miền núi đều được quy hoạch, phát triển khá hợp lý với tổng cộng 756 trường. Từ chỗ một số huyện chỉ có 1 trường THPT, đến nay, nhiều huyện có 4-5 trường, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (HS). Mạng lưới trường THCS, tiểu học, mầm non cũng phát triển rộng khắp đến các xã, thôn. Quy mô các ngành học, cấp học liên tục mở rộng; chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo từng bước tăng cao. Việc xây dựng trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa cũng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Nếu như cách đây chừng 10 năm thật khó tìm ra ngôi trường tầng ở vùng nông thôn thì hiện nay đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi trường khang trang với tiện nghi dạy và học hiện đại. Con số 243 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% trường THPT và THCS, hầu hết trường tiểu học trên cả tỉnh đều trang bị phòng máy vi tính, kết nối internet phục vụ nhu cầu dạy-học đã nói lên sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp trồng người. Có thể một số nơi cơ sở phòng ốc chưa khang trang nhưng trên địa bàn tỉnh đã xóa được tình trạng “vì không có trường có lớp dẫn đến việc HS  không thể đến trường”. Nhờ đó, đến nay Quảng Nam đã được Bộ GDĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THCS (thời điểm năm 2009), phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (thời điểm năm 2008). Không dừng lại ở đó, nhiều địa phương còn đang tích cực triển khai công tác phổ cập giáo dục bậc trung học và bước đầu đạt kết quả khả quan như Tam Kỳ, Điện Bàn, Hội An, Đại Lộc.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của thực tiễn thì sự phát triển, dù nhanh chóng như vừa qua, vẫn chưa thể đáp ứng. Nói cách khác, sự nghiệp trồng người hiện tại đang ở trong một “cái áo” quá chật ! Ví như, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tổ chức dạy và học nhiều nơi chưa đảm bảo chất lượng. Chất  lượng giáo dục, dẫu đã nâng cao rất nhiều, nhưng so với nhiều tỉnh, thành phố vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cũng còn nhiều bất cập, yếu kém so với yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT, có 4 nguyên nhân cơ bản dẫn đến những yếu kém, tồn tại của sự nghiệp GDĐT hiện nay: Cơ chế quản lý giáo dục chưa tương thích với thực tiễn và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Công tác chỉ đạo, điều hành còn bất cập, trong đó có sự yếu kém do năng lực của đội ngũ còn hạn chế. Chưa kịp thời trong việc ban hành các chế độ, chính sách về GDĐT. Việc đầu tư cho GDĐT chưa tương ứng với quy mô phát triển.
Thay đổi để phát triển
Trước yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, sự nghiệp GDĐT buộc phải thay đổi “cái áo chật chội” để phát triển. Và, quy hoạch phát triển tổng thể ngành GDĐT là một đòi hỏi bức thiết nhằm tạo điều kiện cho ngành, cũng là tiền đề cho sự phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh.
Theo Nghị quyết 162 (8-7-2010) của HĐND tỉnh, đến năm 2020, cả tỉnh sẽ có 250 trường mầm non (tăng 34 trường), 285 trường tiểu học (tăng 15), 225 trường THCS (tăng 7) và 63 trường THPT (tăng 15) với mục tiêu đạt chuẩn phổ cập THCS đúng độ tuổi, trên 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn THPT hoặc tương đương, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt 60%. Với giáo dục chuyên nghiệp, nâng tỉ lệ sinh viên cao đẳng, đại học lên 350 sinh viên/1 vạn dân của tỉnh. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hiện có, đến năm 2020, quy mô học sinh, sinh viên các trường đại học là 9.000, cao đẳng là 11.000 và trung cấp chuyên nghiệp là 6.000. Để thực hiện các chỉ tiêu này, theo đề án của tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị là 4.313 tỷ đồng, trong đó xây dựng phòng học 1.000 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị 750 tỷ, phòng thí nghiệm 700 tỷ, phòng vi tính 750 tỷ, phòng thiết bị 600 tỷ đồng…
 
Trước những băn khoăn về việc xây dựng thêm nhiều trường, nguồn vốn quá lớn và liệu có đủ nguồn đầu tư, theo Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Tấn Thắng, lý do xây dựng thêm trường trong khi quy mô học sinh không tăng là để giảm tải số lượng học sinh/lớp do hiện nay sĩ số quá đông, nhiều lớp có từ 50-55 em. Về nguồn vốn thực hiện, ông Thắng cho rằng không nên quá lo lắng vì hiện tại tỷ lệ đầu tư cho GĐDT trong tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh lên đến 30%. Hơn nữa, ngoài nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung, tỉnh còn có các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu, kiên cố hóa trường, lớp và các nguồn vốn, dự án khác khá lớn.
 
TRƯƠNG XUÂN PHÚ ( QNO)
Tin khác ...

 

 

Bình chọn
Thống kê truy cập
Đang online 14
Hôm nay 886
Tháng này 52.587
Tổng truy cập 8.396.705